Đỗ đen còn có tên gọi là ô đậu, hắc đại đậu…thường được dân gian sử dụng như một loại thức ăn ngon, bổ, rẻ, dưới nhiều dạng chế biến đơn giản như chè, kem, cháo, bánh tét, xôi, nhân bánh in, bánh trung thu, các loại bánh ngọt, bột dinh dưỡng cho trẻ, làm giá, hoặc hầm chung trong các món súp đuôi bò, đuôi heo…Ngoài ra đậu đen còn được chế biến ở dạng tương hoặc dạng đậu sị và món này đặc biệt cho người Trung hoa thường dùng để ăn với cháo trắng mỗi buổi sáng.
Theo YHCT đậu đen tính hơi ôn (ấm), vị ngọt, qui kinh Thận, có tác dụng trừ thấp giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể. Nhiều sách cổ viết rằng ăn đậu đen chữa được chứng thủy thũng, tê thấp, bổ thận, giải độc cơ thể, phụ nữ dùng lâu ngày thì làm đẹp dung nhan.
Theo tài liệu trong đậu đen có chứa nhiều sinh tố A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng acid amin cần thiết trong đậu đen rất cao gồm: lysin, methionin, tryptophan,phenylalanin, alanin, valin, leucin…do đó đậu đen được xem như một loại thuốc bổ. Ngoài ra, còn một nhóm chất rất quan trọng tạo màu sắc đỏ tím cho lớp vỏ ngoài của đậu đen được gọi là anthocyanidin, đây là nhóm chất có tác dụng kháng oxy hóa tế bào rất cao, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đề kháng ung thư, kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa tế bào, vì vậy đậu đen dùng tốt cho người già, trẻ em và phụ nữ, nam giới sử dụng sẽ tăng cường chức năng của thận, bổ tinh, ích huyết, chữa liệt dương, tai ù, huyết áp cao.
Đậu đen rất bổ, tuy nhiên chỉ thích hợp cho người ở thể nhiệt (Người gầy, có cảm giác nóng nực trong người, lòng bàn tay chân nóng, tiểu nóng, ít), còn đối với người thể hàn (Người lạnh, hay sợ lạnh, tay chân hay lạnh..) thì khi chế biến nên thêm vài lát gừng.