Thanh Hóa: Người dân Mường Lát phấn khởi khi sắn được mùa, được giá
Trên cánh đồng sắn của người dân xã Mường Lý, huyện Mường Lát, đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp của bà con nông dân đang tấp nập thu hoạch sắn. Năm nay, sắn được mùa, giá thành cao, bà con xã Mường Lý nói riêng, huyện Mường Lát nói chung ai cũng phấn khởi.
Là xã vùng cao, trước kia đời sống của nông dân Mường Lý gặp vô vàn khó khăn do cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Hai năm trở lại đây, xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó cây sắn đóng vai trò chủ lực.
Vụ sắn này, gia đình chàng trai người Mông có tên Moa Sì ở bản Xi Lô, xã Mường Lý trồng hơn 1 ha sắn. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình đang huy động toàn bộ lao động ra nương để thu hoạch sắn. “Nhà em trồng hơn 1 ha, thu hoạch được 1 nửa rồi. Sắn nhiều củ to, đóng bao xong là có người thu mua, bán xong thu tiền luôn nên ai cũng vui. Bản em cũng có nhiều nhà trồng sắn, được mùa lại có giá nên năm nay bản được ăn Tết to rồi”, Moa Sì hào hứng chia sẻ.
Bí thư - Trưởng bản Sa Lung (Mường Lý) Sùng Seo Sểnh vui vẻ ra mặt khi người dân bản có hơn 100 ha trồng sắn đến ngày thu hoạch lại được giá. “Được cán bộ xã, phía công ty hướng dẫn tận tình, lại được đầu tư giống, phân bón, cách chăm sóc nên sắn tốt, củ to. Phía công ty lại thu mua nhanh chóng và trả tiền tận tay, nên gia đình nào cũng phấn khởi lắm. Toàn xã Mường Lý có hơn 300 ha trồng sắn chất lượng cao, tính sơ sơ số tiền thu được khoảng 10 tỷ đồng là con số đáng mơ ước của nhiều gia đình. Đúng là ơn Đảng, ơn Nhà nước. Cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc mà dân thoát nghèo.”
Cùng chung niềm vui được mùa sắn của người dân, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình, cho biết huyện năm này được mùa sắn, giá cao, nên người dân rất phấn khởi. “Năm đầu tiên đưa sắn vào trồng đại trà trên địa bàn huyện Mường Lát với diện tích khoảng 3.000 ha, lại được thương lái bao tiêu, thu mua tại điểm tập kết với giá trên 2.000 đồng/kg. Với sản lượng hơn 18 tấn/ha, toàn huyện sẽ thu được khoảng 110 tỷ tiền sắn. Đây là điều chưa từng thấy ở huyện biên giới này. Người dân rất phấn khởi, tranh thủ nắng ráo ra đồng thu hoạch”.
Cũng theo ông Bình, trước đó, các đồn biên phòng Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý cùng với chính quyền địa phương phối hợp với Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đã ký kết chương trình phối hợp triển khai mô hình trồng sắn năng suất cao trên địa bàn các xã biên giới thuộc huyện Mường Lát. Người dân khi tham gia chương trình sẽ nâng cao trình độ, chăm sóc cây. Đồng thời, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
“Ngoài phát triển cây sắn, hiện Mường Lát đang triển khai trồng hàng chục ha quế, cả trăm ha trẩu, cỏ để phục vụ chăn nuôi gia súc, rau sạch, các loại dưa, cà… Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, tôi tin rằng mục tiêu đưa Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030 sẽ thành hiện thực. Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện biên giới sẽ an cư, lạc nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương” – ông Bình chia sẻ.
Mạnh Linh